Tên khoa học: Helicoverpa armigera
Họ Ngài Đêm: Noctuidae
Bộ Cánh Vảy: Lepidopera
Tập quán sinh sống và cách gây hại
Trên cây cà chua
Sâu xanh đục trái (Heliothis armigera) còn gọi là sâu xanh có lông (để phân biệt với sâu xanh da láng). Thành trùng của sâu đục trái là một loại bướm đêm, sâu non hóa nhộng trong đất ở độ sâu 5 – 7 cm. Ngài hoạt động vào lúc chiều tối và ban đêm. Trưởng thành bay khỏe và có thể bay một khoảng cách xa. Một con ngài cái có thể đẻ 1.000 trứng hoặc nhiều hơn. Trứng được đẻ riêng từng quả, thường ở mặt trên của lá non và gần trái
Sâu non mới nở ăn búp, lá non, nụ hoa, sau đục vào quả từ cuống. Các lá và các chùm hoa bị sâu ăn có thể bị gãy.
Thiệt hại nặng nhất là khi sâu đục vào quả, những quả non mới hình thành khi sâu tấn công thường bị rụng, những quả lớn hơn bị đục sẽ bị thủng và thối, đùn phân ra ngoài. Một đời sâu non có thể di chuyển đục nhiều quả.
– Sâu thường xuất hiện nhiều vào giai đoạn cây ra hoa rộ và tạo quả
Trên cây ớt
Sâu đục trái ớt trưởng thành có màu nâu đậm, ngài trưởng thành hoạt động chủ yếu vào ban đêm, trứng được đẻ từng quả một, thường đẻ ở mặt trên lá non, sau khi nở, sâu non chui ngay vào các búp non, nụ hoa, rồi sau đó đục vào quả. Thường sâu non có 5 – 6 tuổi. Nhộng được hình thành trong trong lá khô hoặc trong đất, sau khoảng 15 ngày, nhộng vũ hoá biến thành ngài. Vòng đời sâu đục trái kéo dài khoảng 30 ngày.
Sâu ở bên ngoài thường thò đầu vào bên trong phá hại búp non, nụ hoa, cắn điểm sinh trưởng, đục thủng quả từ khi còn xanh cho đến lúc gần chín làm thối trái. Sâu thường thích trái xanh và chui vào từ cuống, sâu đục đến đâu thường đùn phân ra đến đó, lỗ bị sâu đục rất gọn gàng, trái non bị sâu đục thường rụng sớm, những quả lớn thì thiệt hại làm giảm giá trị sản phẩm, ngoài trái.
Sâu đục trái thường gây hại khi ớt đang giai đoạn ra hoa và có trái non.
Biện pháp quản lý, phòng trừ
- Biện pháp phòng trừ sâu xanh hại cây cà chua
Thời vụ gieo trồng đồng loạt, làm kỹ đất trước khi trồng để diệt nhộng trong đất.
Luân canh với cây trồng khác không phải là ký chủ của sâu.
Mật độ gieo trồng thích hợp theo từng giống, bón phân cân đối.
Khi cây cà chua đã ổn định số chùm trái nên cắt tỉa bớt các chùm nụ hoa mới phát sinh.
Thường xuyên thăm ruộng để kiểm tra phát hiện sâu non khi chưa đục vào quả, bấm ngọn, tỉa cành để khử bớt trứng sâu và sâu non mới nở. Kiểm tra ngắt bỏ các quả đã bị sâu hại nặng để tránh sự lây lan và tích lũy nguồn sâu trên đồng ruộng.
Hạn chế phun thuốc để bảo tồn các loài thiên địch như Bọ xít, Bọ rùa, Chuồn chuồn cỏ, ong ký sinh, Nấm Metarhizium, virus NPV.
Khi phát hiện có nhiều sâu xanh mới nở có thể phun thuốc vi sinh có nguồn gốc BT hoặc các loại thuốc BVTV sau: Abamectin, Emamectin, Diafenthiuron….
- Biện pháp phòng trừ sâu xanh đục trái ớt
Sau mỗi vụ nên xới đất rồi phơi ải.
Theo dõi thường xuyên sự xuất hiện của ngài để phòng trị sớm.
Phát hiện ổ trứng và kịp thời ngắt bỏ.
Nên bắt sâu bằng tay kết hợp với dùng bả mồi.
Tránh trồng xen canh với bắp, cà chua…
Sâu đục trái ớt có tính kháng thuốc rất cao, nên phun thuốc khi trứng mới nở, sâu còn nhỏ, một khi sâu đã đục vào trái rồi thì rất khó tri.
Phun các loại thuốc có hoạt chất Abamectin, Emamectin, Diafenthiuron…