Tên tiếng anh: Citrus leafminer
Tên khoa học: Phyllocnistis citrella Stainton
Họ: Gracillariidae
Bộ: Cánh Vảy (Lepidoptera)
Tập quán sinh sống và cách gây hại
Loài sâu này chủ yếu gây hại trên nhóm cây Cam, Quít, Chanh, nhưng mức độ
thiệt hại khác nhau tùy theo giống.
Bướm ít bị thu hút bởi ánh sáng đèn. Ban ngày bướm ẩn trốn trong tán lá cây,
ban đêm bay ra hoạt động và đẻ trứng, mạnh nhất từ 19-21 giờ. Từ 12-15 giờ sau khi
bắt cặp bướm cái bắt đầu đẻ trứng. Khoảng 85% số trứng được đẻ trong vòng 2 ngày
đầu. Trứng thường được đẻ ở mặt dưới lá, trung bình 2-3 trứng trên một lá hay một
chồi non. Phần lớn trứng tập trung hai bên gân chính. Bướm thích đẻ trứng ở những
vườn cam, quít dưới 4 năm tuổi.
Sâu mới nở đục ngay vào dưới biểu bì lá và tiếp tục đục ăn thành những đường
ngoằn ngoèo như đường vẽ trên các lá bùa nên sâu có tên gọi là “sâu vẽ bùa”. Sâu sống
bên trong đường đục và cạp ăn lớp tế bào nhu mô diệp lục. Lớp biểu bì khi mới bị tách
khỏi lớp nhu mô thường trong bóng, do đó rất dễ nhầm lẫn với vệt chất nhầy của ốc
sên để lại trên mặt lá khi di chuyển. Sâu đục ăn tới đâu thường bài tiết phân đến đấy,
nên vệt phân là một đường liên tục, giống như sợi chỉ chạy dài theo đường đục của sâu
ở phía chính giữa. Phân sâu lúc đầu có màu xanh vàng, sau thành màu nâu sẫm. Đường
đục kéo dài và lớn dần theo tuổi sâu. Đặc điểm của sâu này là đường đục của một con
sâu ngoằn ngoèo khắp mặt lá nhưng không bao giờ cắt ngang hoặc nhập chung vào
đường đục của những sâu khác sống trên cùng một lá. Sâu chỉ có thể sống được trong
điều kiện ẩm độ không khí cao nhưng khi mưa to, gió lớn, lớp biểu bì trên đường đục
bị rách sâu sẽ chết sau một thời gian ngắn. Khi lớn đủ sức sâu thường đục ra bìa phiến
lá nhả tơ, dệt kén kéo bìa lá lại che kín tổ kén. Cũng có đôi lúc sâu hóa nhộng ngay
giữa phiến lá nhưng vẫn có khả năng kéo cả phiến lá che tổ kén. Tổ kén sâu vẽ bùa có
màu rỉ sắt. Sau khi bướm vũ hóa thì võ nhộng thường nhô một phần ra ngoài tổ kén.
Lá bị sâu tấn công sẽ quăn queo làm hạn chế rất lớn sự quang hợp, chồi non
ngừng tăng trưởng. Ngoài ảnh hưởng trên, những vết thương do sâu đục trên bề mặt lá
hoặc chồi sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. citri phát triển
mạnh, gây ra bệnh loét cho cây cam, sau cùng các chồi non sẽ bị hủy diệt.
Các lá cam, quít hay chanh quăn queo, co rúm do sâu vẽ bùa tạo nên còn là nơi
trú ẩn của nhiều loài sâu hại khác.
Biện pháp quản lý, phòng trừ
– Thường xuyên theo dõi quan sát, để bảo vệ các đọt non vào các giai đoạn cao điểm
phát triển của sâu.
– Nên phòng vào giai đoạn cây ra lá non như vào đầu mùa mưa hoặc sau khi bón phân, tưới nước.
– Trong tự nhiên có nhiều loại ong ký sinh trên sâu non và nhộng, đôi khi tỉ lệ kí sinh có
thể lên đến 70-80%.
– Có thể áp dụng thuốc sớm khi mới vừa có triệu chứng gây hại đầu tiên bằng các loại thuốc trừ sâu có tính thấm sâu; 7-10 ngày sau áp dụng lại nếu mật số lá bị hại còn
cao.
– Khi mật số sâu quá cao, có thể dùng các loại thuốc nội hấp để phun như Pyriproxyfen Sunlar 110EC), Abamectin (Abapro 5.8EC/1.8EC)…