Sâu phao đục bẹ
Tập quán sinh sống và cách gây hại
Gọi là sâu phao đục bẹ vì cách thức, thời điểm sinh sống giống như sâu phao nhưng cách gây hại lại giống như sâu đục thân.
Thành trùng thường đậu ở mặt dưới tán của bụi lúa. Thành trùng sẽ bắt cặp sau khi vũ hóa từ 1-2 ngày. Từ 2-3 ngày sau khi bắt cặp thành trùng sẽ đẻ trứng. Trứng được đẻ thành hàng trên phần bẹ lá lúa. Phao của sâu non là 2 mảnh ghép lại, dẹp và không chứa nước trong phao như loài Nymphula depunctalis.
Sâu non tuổi 1-2 chỉ ăn lá là chủ yếu, nhưng từ tuổi 3 trở đi thì vừa ăn lá vừa đục vào thân cây lúa, làm lúa chậm phát triển và chết nhanh sau đó.
Sâu thường tấn công rất sớm trên những ruộng bị ngập nước.
Sâu thường bắt đầu gây hại khoảng 10 – 15 ngày sau sạ (NSS) đến cuối giai đoạn đẻ nhánh (40 – 50 NSS). Sâu tuổi nhỏ cạp nhu mô và cắn thủng lá lúa nhiều chổ làm lá lúa bị rách răng cưa ở 2 bên mép lá, lá lúa dễ bị gãy nằm dài xuống mặt nước. Sâu tuổi lớn cắn đứt hai mảnh lá, nhả tơ gấp lại làm phao (triệu chứng gây hại của sâu phao). Sâu có thể đục vào bẹ làm bẹ bị thối, vàng, nếu đục vào đỉnh sinh trưởng thì sẽ làm đọt bị chết (triệu chứng gây hại của sâu đục thân). Lúa bị hại sẽ kém phát triển, thấp cây, nảy chồi ít, bông ngắn, hạt nhỏ, lép nhiều.
Biện pháp phòng trừ
- Thăm đồng thường xuyên khi thấy buớm rộ, sau một tuần sẽ có sâu non nở ra.
- Không nên để mực nước quá cao, vì sâu phao dễ lây lan theo nước.
- Không sạ quá dày hoặc bón thừa phân đạm.
- Áp dụng thuốc hóa học khi thấy triệu chứng trên bẹ lúa, cần kết hợp rút nước cạn, phun thuốc xong vài ngày mới cho nước từ từ vào ruộng. Dùng các loại thuốc Cartap, Abamectin, Thiosultap-sodium …