Lân (P)
P tham gia vào thành phần ADN và ARN của cây lúa, P có mối quan hệ chặt chẽ đến sự hình thành diệp lục, vào quá trình hình thành chất béo, tổng hợp prôtêin trong cây và vận chuyển tinh bột, làm tăng sự phát triển của bộ rễ, thúc đẩy việc ra rễ, đặc biệt là rễ bên và lông hút. Trong một số trường hợp đất phèn và đất phèn mặn thì P có vai trò kìm hãm các độc tố giúp cho lúa sinh trưởng và phát triển. Cây lúa hút P trong suốt thời kỳ sinh trưởng nhưng mạnh nhất là thời kỳ đẻ nhánh và làm đòng. Giai đoạn đầu nhu cầu về P của cây lúa rất thấp. Đủ P bộ rễ phát triển tốt, cây đẻ nhánh khỏe, trỗ và chín sớm ngay cả trong điều kiện nhiệt độ thấp trong vụ đông xuân, hạt thóc mẩy và sáng. Thừa P không có biểu hiện gây hại như thừa N vì P thuộc loại nguyên tố linh động, nó có khả năng vận chuyển từ cơ quan già sang cơ quan còn non.
Thiếu P cây còi cọc, số lá ít, lá ngắn, phiến lá hẹp, lá dựng đứng, xanh tối, đẻ nhánh kém, trỗ bông chậm, chín kéo dài, nhiều hạt xanh, hạt lép, số bông và số hạt/bông đều giảm.
Nguyên nhân thiếu P là do khả năng cung cấp P của đất thấp, bón không đủ lượng P khoáng cho đất, hiệu quả sử dụng P thấp do cố định hoặc do xói mòn (trường hợp lúa nương), bón thừa N hoặc N + K nhưng thiếu P, mật độ gieo sạ cao. Các loại đất có khuynh hướng thiếu P như đất có kết cấu thô, ít hữu cơ, lượng P dự trữ thấp, đất cacbonat, đất mặn, đất giàu natri, đất núi lửa (cố định P mạnh), than bùn và đất phèn.
Trong quá trình sản xuất, khi bón phân P cho lúa, lượng Super lân bao giờ cũng gấp 1,5-2 lần so với urê và bón lót toàn bộ phân super lân để cung cấp kịp thời P cho sự phát triển của bộ rễ lúa. Super lân bón lót cho đất ít chua, còn lân nung chảy dùng cho nhiều loại đất, đặc biệt có tác dụng ở đất chua. Ngoài ra còn có thể cung cấp P cho cây thông qua DAP, NPK…