Kali (K)
K rất quan trọng đối với nhóm cây chứa nhiều đường hay tinh bột. Khác với N và P, K không tham gia vào thành phần bất kỳ một hợp chất hữu cơ nào mà chỉ tồn tại dưới dạng ion trong dịch bào và một phần nhỏ kết hợp với chất hữu cơ trong tế bào chất của cây lúa. K xúc tiến quá trình vận chuyển dinh dưỡng, giúp cây lúa tăng cường hô hấp. K còn giúp thúc đẩy tổng hợp protit, hạn chế việc tích lũy nitrat (NO3–) trong lá, hạn chế tác hại của việc bón thừa N cho lúa. Ngoài ra K còn giúp bộ rễ tăng khả năng hút nước và cây lúa không bị mất nước quá mức ngay cả trong lúc gặp khô hạn, K làm tăng khả năng chống hạn và chống rét cho cây lúa. K làm tăng hiệu quả sử dụng N và P. Cây lúa được bón đầy đủ K phát triển cứng cáp, không bị đổ, chịu hạn và chịu rét tốt, tăng số hạt trên bông, tỷ lệ hạt chắc, trọng lượng 1000 hạt.
Triệu chứng thiếu K là lá hẹp, ngắn, xuất hiện các chấm đỏ, lá có màu lục tối, mép lá có màu nâu hơi vàng, lá dễ héo rũ và khô. Cây lúa thiếu K sinh trưởng kém, trỗ sớm, chín sớm, nhiều hạt lép lửng, mép lá về phía đỉnh biến vàng. Khi tỉ lệ K trong cây giảm xuống chỉ còn bằng 1/2-1/3 so bình thường thì mới thấy xuất hiện triệu chứng thiếu K trên lá, cho nên khi triệu chứng xuất hiện thì năng suất đã giảm nên việc bón K vào thời điểm đó không thể bù đắp được sự thiếu hụt. Triệu chứng thiếu thường K xuất hiện ở các là già trước.
Nguyên nhân thiếu K là do lúa được canh tác trên các loại đất có khả năng cung cấp K thấp, bón không đủ K khoáng, lấy hết K theo rơm rạ, hiệu quả bón K thấp do khả năng cố định K của đất cao hoặc mất do bị rả trôi, tỷ lệ Na:K, Mg:K hoặc Ca:K trong đất lớn, nồng độ bicacbonat trong nước tưới lớn, bón thừa N hoặc N + P nhưng không đủ K, gieo sạ dày, rễ nông, các giống lúa lai yêu cầu nhiều K hơn.… Các loại đất có khuynh hướng thiếu K như đất có sa cấu thô và đất chua phong hóa mạnh có CEC thấp và K dự trữ ít, đất sét cố định K cao, bị rửa trôi ở đất phèn cổ, đất tiêu nước kém và khử mạnh…
Phân K bón cho lúa chủ yếu là Kali clorua (KCl) hay gọi là MOP, Kali sunphat, NPK…