Đốm vằn – Khô vằn
Tên tiếng anh: Sheath blight
Tên khoa học: Rhizoctonia solani
Tác nhân gây bệnh
Bệnh khô vằn do nấm Rhizoctonia solani gây lên. Loài nấm này còn gây hại trên rất nhiều loại cây trồng khác.
Triệu chứng gây hại
Đầu tiên vết bệnh có màu lục tối hơi ướt, hình bầu dục, sau đó lan rộng ra và liên kết lại. Những đám chồng chất lên nhau với các màu sắc khác nhau nên trông có vẻ vằn vện như da cọp hoặc như những vân mây. Bên ngoài viền có màu nâu, bên trong có màu xám xanh hoặc xám vàng. Khi vết bệnh trưởng thành thì khô vàng.
Phần trên vết bệnh mọc những sợi nấm màu trắng, có thể mọc ở phần thân trên mặt nước lên trên cổ bông, sau đó xuất hiện nhiều khuẩn hạch còn non có màu trắng về già có màu nâu vàng kích thước hạch lớn thường có hình dẹt hoặc hình như trái đậu phộng.
Bệnh xuất hiện từ gốc lên cổ bông, suốt thời kỳ sinh trưởng từ giai đoạn mạ đến trổ bông. Bệnh gây hại nặng từ giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh trở đi, cao điểm từ khi lúa ôm đòng trổ đến đỏ đuôi.
Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh
Ở ngoài đồng bệnh phát sinh, phát triển trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao, nước ngập sâu. Ở những ruộng thâm canh không cân đối như gieo cấy dày, bón quá nhiều đạm thúc đòng, tỉ lệ N – P – K không hợp lý, những ruộng bón K thấp, bệnh nặng. Tỉ lệ Si trong thân lúa rất quan trọng ảnh hưởng đến khả năng kháng bệnh.
Ở những lúa có tán lá rộng, bẹ dày ít nhiễm bệnh hơn những giống thấp cây, bẹ ngắn thường phát triển theo chiều ngang hoặc chiều đứng. Chiều ngang: lây nhiễm sang cây bên cạnh. Chiều đứng: bệnh lan dần từ dưới gốc lên bẹ lá ở phía trên bông lúa. Vết bệnh phát triển lên cao thì càng làm năng suất giảm: Khi vết bệnh lan lên bông lúa, năng giảm 40 – 100%. Khi vết bệnh lan lên lá đòng, chồi có thể làm năng suất giảm 25%.
Lan theo chiều ngang phụ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh, nhiệt độ, ẩm độ mật độ sạ, cấy …
Lan theo chiều đứng thuộc vào đặc tính kháng bệnh của giống, lượng phân N,K.
Biện pháp phòng trừ
– Làm sạch cỏ.
– Cày bừa, lật đất để vùi hạch nấm.
– Đốt rơm rạ sau khi thu hoạch.
– Sạ cấy với mật độ thích hợp.
– Bón cân đối N – P – K, không nên bón N nhiều và bón thúc muộn.
– Cần chú ý điều tra phát hiện, khi thấy tỷ lệ bệnh từ 5-7% số dảnh bị bệnh trở lên cần sử dụng một trong các loại thuốc trừ bệnh như: V-Cin 5SL, Best-Harvest 5SC/15SC…