Canxi (Ca)
Ca có vai trò quan trọng trong việc hình thành tế bào, hình thành các mô cơ quan của cây, là thành phần quan trọng trong vách tế bào, giữ cho thành tế bào được vững chắc giúp cây tăng trưởng khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh, duy trì cân bằng anion-cation trong tế bào, trung hòa các acid hữu cơ trong cây giúp giải độc hữu cơ, giải độc phèn cho cây, giúp giảm độc tố sắt, nhôm, làm đất tơi xốp, cải thiện tính thấm nước và thông thoáng nhờ đó cải thiện điều kiện phát triển của rễ, kích thích hoạt động của vi khuẩn, làm tăng khả năng hữu dụng của molipdent (Mo) và sự hấp thu các yếu tố dinh dưỡng khác.
Triệu chứng đặc trưng của cây thiếu Ca là các lá mới ra bị dị dạng, chóp lá uốn câu, rễ kém phát triển, ngắn, hóa nhầy và chết. Ca là chất không di động trong cây nên biểu hiện thiếu Ca thường thể hiện ở các lá non trước. Thiếu Ca không xảy ra phổ biến trên đất lúa nước bởi vì thường có đủ Ca trong đất nhờ bón phân kháng và nước tưới.
Nguyên nhân thiếu Ca do hàm lượng Ca hữu hiệu trong đất thấp thấp (đất cát, đất chua, đất bạc màu); đất có pH kiềm, tỷ lệ Na:Ca cao dẫn đến sức hút Ca bị giảm; đất có tỷ lệ Fe:Ca hoặc Mg:Ca lớn dẫn đến sức hút Ca cũng bị giảm; bón thừa N và K dẫn đến tỷ lệ NH4:Ca hoặc K:Ca lớn và sức hút Ca cũng giảm, bón dư P có thể làm giảm sức hút Ca do sự hình thành phosphate canxi… Các loại đất có khuynh hướng thiếu Ca như: các loại đất chua, đất cát, CEC thấp, rửa trôi mạnh; các loại đất được hình thành từ đá serpentine; các loại đất phèn cổ có hàm lượng bazơ thấp.
Nguồn cung cấp Ca cho lúa chủ yếu là vôi, dolomite, thạch cao…