Bọ xít đen
Tên tiếng anh: Rice black bug
Tên khoa học: Scotinophara coartata (Fabricius)
Họ: Pentatomidae
Bộ: Hemiptera
Tập quán sinh sống và cách gây hại
Bọ trưởng thành và bọ non sống tụ tập ở gốc lúa ngay phía trên mặt nước cả ngày, ban đêm di chuyển lên trên và vào đèn nhiều. Trong mùa khô bọ trưởng thành và bọ non sống ở kẻ nứt của đất nơi có cỏ, gặp điều kiện thích hợp di chuyển đến ruộng lúa để phá hại. Một con cái có thể đẻ tới 200 trứng.
Bọ xít hút nhựa làm bẹ lúa thâm đen, lá vàng. Nếu mật độ cao cây lúa có thể bị héo chết hoặc bị cháy giống như hiện tượng cháy rầy.
Bọ xít đen có thể gây hại ở các vụ lúa trong năm, tuy nhiên gây hại nặng nhất ở vụ hè thu có điều kiện thời tiết nón, ẩm, mưa nhiều. Bọ xít thường gây hại nặng ở giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ đến làm đòng và thường tập trung chích hút ở mắt thân lúa. Có nhiều loại thiên địch có thể hạn chế bọ xít đen.
Biện pháp phòng trừ
– Gieo cấy mật độ vừa phải, không bón nhiều phân đạm, để ruộng thông thoáng, cây lúa cứng cáp đẻ nhánh tập trung không thuận lợi cho bọ xít phát sinh gây hại.
– Làm sạch cỏ dại trong ruộng và bờ bao.
– Dùng thuốc trừ sâu phun trực tiếp vào gốc lúa nơi có nhiều bọ xít tập trung. Các loại thuốc trừ sâu có chứa các hoạt chất có thể diệt được bọ xít đen như Abamectin, Imidacloprid, Lambda-cyhalothrin…