Bọ trĩ (Bù lạch)
Tên tiếng anh: Rice thrips
Tên khoa học: Stenchaetothrips biformis
Họ: Thripidae
Bộ: Thysanoptera
Tập quán sinh sống và cách gây hại
Con trưởng thành sống đến 3 tuần, hoạt động cả ngày và đêm. Chúng ẩn lấp trong lá nõn hoặc các chót lá quăn do không ưa ánh sáng trực xạ. Khi trời râm mát chúng bò ra ngoài. Trong quần thể có 95% là con cái. Bọ trĩ sinh sản đơn tính là chủ yếu. Thành trùng đẻ trứng thành từng cái trong mô của mặt trên lá. Con cái trưởng thành đẻ khoảng 3-160 trứng, chúng đẻ trong 5-7 ngày, nhưng đẻ nhiều nhất là ngày thứ 2, 3, 4. Một năm phát sinh 8-10 lứa, trong đó lứa 1 và 2 phát sinh trên cỏ. Lứa 2-3 và lứa 6 là quan trọng nhất. Nhiệt độ thích hợp để bọ trĩ phát sinh phát triển từ 15-25oC. Mưa làm giảm rõ rệt số lượng bọ trĩ, đặc biệt là trưởng thành. Quần thể bọ trĩ phát triển mạnh ở những năm hạn hán, con trưởng thành có khả năng kháng thuốc cao.
Thành trùng và ấu trùng đều hút nhựa lá và hoa làm cho cây lúa sinh trưởng còi cọc, lá có màu vàng đỏ, lá non hầu như bị quăn lại, không hồi phục được, hoa lúa không thụ phấn được. Nếu mật số cao, bọ trĩ có thể làm cây con chậm tăng trưởng. Bọ trĩ gây hại cho lúa ngay từ khi gieo, đẻ nhánh, sau đó giảm dần tới lúc lúa trỗ. Bọ trĩ thường hại nặng những ruộng thiếu nước.
Bọ trĩ gây hại ở khắp các vùng trồng lúa trong nước và trên thế giới, lúa sạ bị hại nặng hơn lúa cây. Bọ trĩ hại cả lúa nước và lúa cạn ngay sau khi lúa mới cấy được 1-2 tuần.
Biện pháp phòng trừ
– Giữ mực nước ổn định, bón phân cân đối. Sau khi bọ trĩ phá hoại, bón thêm urea giúp cây hồi phục nhanh.
– Đối với những ruộng lúa non, cạn nước, khi mật số bọ trĩ cao cần điều tra số lượng thiên địch trước khi quyết định xử lý thuốc.
– Đề phòng ngừa bọ trĩ nên xử lý hạt giống trước khi gieo sạ.
– Khi bọ trĩ phá hại có thể sử dụng các loại thuốc BVTV có các hoạt chất như Imidaclorprid, Abamectin, Fenpropathrin + Hexythiazox, Thiamethoxam…