Bệnh cháy bìa lá
Tên tiếng anh: Rice leaf blight
Tên khoa học: Xanthomonas oryzae
Tác nhân gây bệnh
Nguyên nhân bệnh bạc lá lúa là do vi khuẩn Xanthomonas oryzae.
Triệu chứng gây hại
Bệnh phát sinh phá hại trong suốt từ thời kỳ mạ đến chín nhưng có triệu chứng điển hình là ở thời kỳ lúa trên ruộng từ sau đẻ nhánh đến trổ và chín sữa. Đầu tiên vết bệnh là những vệt nhỏ trong suốt nằm giữa các gân lá, sau đó vết bệnh lớn dần và chuyển sang màu vàng nâu. Vết bệnh tạo thành các sọc như giọt dầu từ mép lá gần đỉnh, vết bệnh phát triển dần theo cả chiếu dài và chiều rộng tạo thành một vết cháy từ đỉnh xuống dưới ở hai bên bìa lá, màu vàng xám nhạt, giữa vết cháy và phần xanh còn lại của lá có ranh giới rõ ràng bởi một đường nâu sẫm. Vết bệnh có thể lan rộng làm cả phiến lá khô bạc trắng, vào sáng sớm khi còn ướt sương hoặc ngày mưa dầm ẩm ướt trên vết bệnh sinh những giọt keo màu vàng hoặc khô lại thành hạt nhỏ như trứng cá. Bệnh phát triển nặng có thể làm toàn bộ lá, kể cả lá đòng bị khô rạc nhanh chóng trước khi lúa chín, làm hạt kém mẩy và vỏ trấu bị đen. Vi khuẩn có thể xâm nhập qua rễ làm nghẽn mạch dẫn nhựa, nhưng thường khu trú tập trung và tấn công trên lá.
Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh
Ở vụ Hè Thu, bệnh thường phát sinh, gây hại giai đoạn cuối vụ. Đặc biệt, sau những cơn mưa giông đầu mùa, kèm theo gió lớn vào thời kỳ lúa làm đòng – trổ chín là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh lây lan nhanh, gây hại nặng trên các giống mẫn cảm, những chân ruộng sâu, ruộng bón thừa đạm…Khi độ ẩm không khí ≥90%, nhiệt độ 260C – 300C, thời tiết âm u, mưa bão nhiều bệnh rất nặng.
Vi khuẩn xâm nhập qua thủy khổng, lỗ khí ở trên mút lá, mép lá và đặc biệt qua vết thương sây sát trên lá. Khi đã tiếp xúc với bề mặt lá có màng ướt vi khuẩn dễ dàng di động tiến vào bên trong các lỗ khí, qua vết thương mà sinh sản nhân lên về số lượng qua các bó mạch dẫn lan rộng đi. Trong điều kiện mưa ẩm thuận lợi cho việc phát triển của vi khuẩn, trên bề mặt lá bệnh tiết ra những giọt keo vi khuẩn thông qua sự va chạm giữa các lá lúa nhờ mưa gió mà truyền lan tới các lá, cây khác để tiến hành xâm nhiễm lặp lại nhiều đợt trong thời kỳ sinh trưởng. Cho nên tuy là một loại bệnh có cự ly truyền nhiễm lây lan hẹp, song nó còn tùy thuộc mưa, gió, giông bão xảy ra trong vụ mà bệnh có thể truyền lan với phạm vi không gian khá rộng, giọt keo vi khuẩn hình thành với số lượng nhiều, đó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng làm bệnh phát triển mạnh sau những đợt mưa gió mạnh.
Nguồn bệnh: Cỏ dại, đất, nước, hạt giống, tàn dư cây bệnh là nguồn dự trữ.
Vi khuẩn phát triển trong phạm vi pH từ 4 – 8,8, có thể sống trong nước 15-38 ngày, có thể tồn tại trong hạt giống 7-8 tháng và trong rơm rạ 3-4 tháng. Giới truyền bệnh virus trên lúa như bệnh vàng lùn (lúa cỏ), lùn xoắn lá.
Biện pháp phòng trừ
– Chọn giống kháng bệnh, sạch bệnh. Xử lý hạt giống trước khi trồng.
– Bón phân cân đối ngay từ đầu vụ, tăng cường bón phân hữu cơ, không bón quá nhiều phân đạm và không bón thúc muộn. Bón đủ lân, kali.
– Tránh làm gãy hoặc dập lá trong mùa mưa bão
– Khi bệnh phát triển ngưng bón đạm, tăng cường phân kali, thay nước ruộng và phun thuốc đặc trị vi khuẩn.
– Dùng các loại thuốc hợp chất đồng, có thể dùng hỗn hợp đồng với chất kháng sinh Streptomycin hoặc các chất như MBAMT (Sasa, Xanthomic), Acid Oxolinic (Staner), Ningnamycin (Ditacin), và các chất tăng đề kháng của cây lúa với vi khuẩn như Acid Salicylic (Exin)…để phòng trị.