Rầy bông xoài
Tên tiếng anh: Mango hopper
Tên khoa học: Idiocerus niveosparsus Lethierry
Họ: Rầy Xanh (Cicadellidae); Bộ: Cánh Đều (Homoptera)
Tập quán sinh sống và cách gây hại
Trên cây xoài thường có nhiều loài rầy gây hại bông. Ở Việt Nam chủ yếu gặp loài Idiocerus niveosparsus Lethierry. Ngoài ra, một loài khác ít phổ biến hơn là I. clypeus (Lethierry), đa ký chủ, tấn công nhiều loại cây khác.
Thành trùng mới vũ hóa rất linh động và liền sau đó di chuyển tới chồi, lá non, bắt đầu đẻ trứng, ngay cả trên chồi non còn cuốn lại, hoặc trên gân chính của lá, chúng còn đẻ trứng trên từng hoa nhỏ hay trên cành nhỏ. Cả thành trùng và ấu trùng đều sống trong lá xoài và nhảy xào xạc khi bị động đến. Khi xoài trổ bông thì rầy tập trung chích hút trên bông, chồi non. Rầy cái dùng bộ phận đẻ trứng nhọn ở cuối bụng đẻ trứng rải rác vào bên trong cuống của chồi non. Rầy đẻ trứng và chích hút nhiều gây ra hai hiện tượng như sau:
– Số lượng trứng đẻ nhiều trên các bộ phận trên cành non, bông gây vết thương làm cho các phần trên bị khô, héo và có thể rụng.
– Sự tập trung chích hút của thành trùng và ấu trùng làm cây bị suy yếu. Rầy còn tiết ra chất đường thu hút nấm đen tới đóng quanh nơi rầy bám hoặc các tầng lá phía dưới làm cản trở quang hợp của cây.
– Nếu mật độ rầy cao thì xoài sẽ không đậu bông và rụng trái.
Biện pháp quản lý, phòng trừ
– Sau khi thu hoạch trái nên tỉa bớt cành cây để giảm nơi trú ẩn của rầy.
– Dùng bẩy đèn thu hút thành trùng.
– Sử dụng các loại thuốc đặc trị rầy, tốt nhất là nên ngừa sớm khi xoài vừa có nụ hoa nếu quan sát thấy có nhiều rầy trú trong lá. Khi mật số khoảng 5 con/phát hoa có thể làm hoa rụng. Khi xoài đang ra hoa nếu áp dụng thuốc thì nên thận trọng vì có thể ảnh hưởng đến các côn trùng thụ phấn hoa. Sau đó nên áp dụng lại nếu mật số rầy còn cao vào giai đoạn tượng trái.
– Có thể sử dụng các loại thuốc BVTV có hoạt chất như: Abamectin, Buprofezin, Deltamethrin, Pymetrozin…