Tên tiếng anh: Anthracnose
Tên khoa học: Colletotrichum sp.
Tác nhân gây bệnh
Trên cây cà chua bệnh do nấm Colletotrichum phomoides (sacc.) gây ra.
Trên cây ớt bện do nấm Colletotrichum nigrum Ell et Hals và Colletotrichum capsici (Syd) Butler and Bisby gây ra.
Triệu chứng gây hại
Nấm bệnh có phạm vi ký chủ rộng gây hại trên các loại cây họ cà, họ đậu, họ bầu bí…Bệnh xâm nhập vào đồng ruộng thông qua việc trồng những cây nhiễm bệnh hoặc bệnh lan truyền từ vụ này qua vụ khác bởi tàn dư cây bệnh hoặc trên những cây ký chủ phụ như cỏ dại, các loại cây họ cà. Bào tử của nấm từ vết bệnh trên lá, quả, thân hay tàn dư cây bệnh phát tán qua nước mưa, nước tưới và côn trùng trên đồng ruộng. Các bào tử mới nảy mầm và sinh sản trong mô bệnh và sau đó phân tán sang những lá, quả khác. Nấm bệnh có thể lây lan qua dụng cụ canh tác trong quá trình chăm sóc cây trên đồng ruộng.
Trên cà chua: Bệnh thường gây hại trên trái đang hoặc đã chín, đôi khi trên trái già khi có mưa nhiều hoặc ẩm độ không khí cao. Đốm bệnh lúc đầu hình tròn, úng nước, hơi lõm xuống. Sau đó đốm bệnh lan dần ra, tâm vết bệnh có màu nâu đen, viền màu nâu xám. Bên trong vết bệnh có nhiều vòng đồng tâm, và có những chấm nhõ li ti màu đen nhô lên.
Trên ớt: Cả 2 loài nấm thường cùng phá hại làm thối quả ớt rất nhanh, thường xuất hiện vào giai đoạn quả chin rộ. Vết bệnh lúc đầu là một đốm nhỏ hơi lõm và hơi ướt trên bề mặt vỏ quả. Sau vết bệnh phát triển, thường có hình bầu dục hoặc hình thoi, mầu nâu đen hoặc màu vàng trắng bẩn. Phần ranh giới giữa mô bệnh và mô khoẻ thường có một đường vạch màu đen chạy dọc theo vết bệnh, vết bệnh có thể liên kết với nhau làm quả thối. Nấm có thể gây hại trên lá, đôi khi cả ở trên thân. Bệnh thán thư có thể làm thối chồi non, chết cây con vườn ươm, thân và cuống lá có thể bị tróc vỏ, cụm hoa bị tàn lụi và chết đen khi bệnh phát triển mạnh, cây ít quả, kém năng suất. Đặc biệt bệnh thán thư hại ớt cả trong thời kỳ bảo quản sau thu hoạch làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng hạt giống.
Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh
Nguồn bệnh là sợi nấm và bào tử phân sinh tồn tại trên hạt giống và tàn dư cây bệnh. Bệnh thường xuất hiện trong những điều kiện thời tiết ẩm ướt, nhiệt độ khoảng 27 – 30oC, thời tiết mưa nhiều (vào mùa mưa), hoặc những ngày có sương mù hoặc có mưa nhỏ kéo dài nhất là mưa đêm, ẩm độ cao, khi cây ra đọt và lá non nhiều, khi cây ra hoa.
Biện pháp phòng trừ
Dọn dẹp tàn dư thực vật trước khi trồng.
Chọn giống ít nhiễm bệnh hoặc tránh cây cho trái vào lúc mưa nhiều.
Xử lý hạt giống tước khi trồng.
Luân canh, không trồng cây họ cà ớt trong vòng 2 – 3 năm.
Trồng thưa và làm giàn chống đỡ tạo sự thoáng khí cho cây.
Thu gom và tiêu hủy các trái bị bệnh đem tiêu hủy
Bón phân đầy đủ, cân đối cho cây.
Phun các loại thuốc BVTV có các hoạt chất như: Azoxystrobin, Difenoconazole, Mancozeb, Tebuconazole…