Tên tiếng anh: American serpentine leafminer
Tên khoa học: Liriomyza trifolii (Burgess)
Họ: Agromyzyiidae
Bộ: Hai Cánh (Diptera)
Tập quán sinh sống và cách gây hại
Đây là loài côn trùng phá hại trên nhiều loại cây như bầu bí dưa leo dưa gan, cà chua,
ớt, đậu nành, đậu trắng….
Thành trùng hoạt động mạnh từ 7-9 giờ sáng và từ 4-5 giờ chiều. Thành trùng cái dùng bộ phận đẻ trứng rạch mặt lá tạo nhiều lỗ. Trong số đó có một số lổ chứa trứng, chỉ khoảng 1%, phần lớn các lỗ còn lại dùng làm thức ăn cho thành trùng cái và đực do chất lỏng ứa ra từ vết chích. Các lỗ đục thường xuất hiện ở chóp lá hay dọc theo 2 bìa lá.
Ấu trùng (dòi) đục thành những đường ngoằn ngoèo ở mặt trên lá, lúc đầu đường đục nhỏ, càng lúc càng to dần cùng với sự phát triển của cơ thể ấu trùng. Đường đục xuất hiện ở cả hai mặt lá nhưng thấy rõ nhất là ở mặt trên lá. Khi trưởng thành, dòi đục thủng biểu bì chui ra ngoài và làm nhộng trên mặt lá hay trên các bộ phận khác của cây hoặc buông mình xuống đất làm nhộng.
Các vết đục khắp mặt lá làm cho lá bị khô, giảm diện tích quang hợp, cây sinh trưởng kém, trái nhỏ, giảm phẩm chất của trái, nếu trầm trọng làm năng suất giảm.
Ruồi đục lá phát triển mạnh vào cuối mùa mưa và mùa nắng. Dòi phá hại từ khi cây mới mọc lá mầm cho đến khi ra hoa, mang trái.
Biện pháp quản lý, phòng trừ
– Làm sạch cỏ chung quanh ruộng, cày sâu sau thu hoạch để diệt ký chủ phụ trước khi xuống giống.
– Chăm sóc cây sinh trưởng mạnh để vượt qua sự gây hại của ruồi.
– Cắt tỉa, tiêu hủy các lá bị ruồi hại nặng.
– Ngoài thiên nhiên ruồi có rất nhiều thiên địch. Nếu mật số thiên địch trên 50% không cần áp dụng thuốc để trừ ruồi, nhưng nếu mật số thiên địch thấp, không thể khống chế mật số ruồi thì nên áp dụng thuốc khi cây con bắt đầu có lá mầm và lá thật đầu tiên. Ở những vùng ruồi có điều kiện nhân mật số nhanh thì cần áp dụng thuốc BVTV khi cần bằng thuốc có hoạt chất như Pyriproxyfen, Cyromazine…